Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu, ngày 28/6, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có quyết định chính thức giao mỏ cát B1.1 thuộc địa phận biển khu vực tỉnh Sóc Trăng cho nhà thầu khai thác, phục vụ các công trình, dự án trọng điểm trong khu vực.
Theo Quyết định số 1746/QĐ-BTNMT, do Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân ký ngày 28/6/2024, Bộ này đã giao quyền sử dụng khu vực biển cho Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Kỹ thuật VNCN E&C với mục đích khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (cát biển) để cung cấp cho Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 (Dự án thành phần đoạn Cần Thơ-Hậu Giang và Hậu Giang-Cà Mau).
Địa điểm khu vực biển tại Tiểu khu B1.1 thuộc khu B1 vùng biển tỉnh Sóc Trăng.
Khu vực biển được phép sử dụng có diện tích 99,95ha, được giới hạn bởi 4 điểm góc có tọa độ cụ thể; độ sâu được phép sử dụng đến 7,5m, độ cao được phép sử dụng đến 5m tính từ mặt nước biển, được thể hiện chi tiết trên Sơ đồ khu vực biển giao cho Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Kỹ thuật VNCN E&C kèm theo quyết định này.
Thời hạn được giao khu vực biển là từ khi quyết định có hiệu lực thi hành đến hết ngày 21/12/2024. Số tiền sử dụng khu vực biển phải nộp và hình thức nộp tiền sử dụng khu vực biển cụ thể phải nộp là 7.300.000 đồng/ha/năm; số tiền sử dụng khu vực biển phải nộp trong thời hạn được giao khu vực biển tính từ ngày quyết định giao khu vực biển có hiệu lực thi hành.
Theo quyết định này, Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Kỹ thuật VNCN E&C phải thực hiện các nghĩa vụ quy định tại Nghị định số 11/2021/NĐ-CP ngày 10/2/2021 của Chính phủ quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển và các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Công ty cũng có nghĩa vụ sử dụng khu vực biển theo đúng mục đích, diện tích, phạm vi, ranh giới, tọa độ, độ sâu, độ cao được quy định và báo cáo, cung cấp thông tin tình hình sử dụng khu vực biển cho Bộ Tài nguyên và Môi trường và cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Đồng thời, công ty phải thực hiện các yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong quá trình khai thác khoáng sản, sử dụng khu vực biển, bảo đảm yêu cầu quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn, hàng hải, bảo vệ tài nguyên, môi trường, nguồn lợi thủy sản theo quy định của pháp luật.
Công ty phải tuân thủ, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo, pháp luật về khoáng sản, pháp luật về thủy sản; thực hiện giải pháp công nghệ khai thác hợp lý theo điều kiện khí tượng, hải văn khu vực, các biện pháp bảo vệ môi trường, giảm thiểu tác động đến nguồn lợi thủy sản, hệ sinh thái biển, bảo tồn đa dạng sinh học; không gây thiệt hại đến tài nguyên, gây ô nhiễm, suy thoái môi trường; cải tạo, phục hồi, cải thiện môi trường tại khu vực biển được giao sau khi hết thời hạn sử dụng khu vực biển theo quy định của pháp luật.
Quyết định cũng yêu cầu công ty không làm ảnh hưởng đến việc khai thác, vận hành, an toàn của các công trình, thiết bị trên biển đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép thực hiện tại khu vực; không cản trở các hoạt động khai thác, sử dụng hợp pháp tài nguyên biển đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép thực hiện trong khu vực biển được giao và các hoạt động hợp pháp khác trên biển theo quy định; chỉ thực hiện khai thác khoáng sản trong thời gian từ 7 giờ đến 17 giờ hằng ngày (không khai thác vào ban đêm)...
Công ty thực hiện các hoạt động khai thác khoáng sản, sử dụng phương tiện, thiết bị theo đúng thiết kế, hệ thống khai thác, công nghệ khai thác, trình tự khai thác, biện pháp tổ chức thi công đã được thẩm định, chấp thuận, phê duyệt, xác nhận, bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật./.